Hotline:

0989 929 929

THỪA PHÁT LẠI-SƠ LƯỢC LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

09/01/17 03:01:54 Lượt xem: 5073
Thừa phát lại là chế định có lịch sử lâu dài ở Việt Nam (ở Miền Bắc tồn tại đến 1950 và tại Miền Nam đến năm 1975). Quá trình nghiên cứu, chuẩn bị nội dung xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp (Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị) cũng như triển khai thí điểm, việc nghiên cứu thay thế tên gọi “Thừa phát lại” cũng được đặt ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng tên gọi đã quen thuộc và có lịch sử lâu dài sẽ tạo thuận lợi hơn trong khi tái khôi phục tổ chức, hoạt động của thiết chế này trong đời sống xã hội. Vì vậy, tên gọi Thừa phát lại vẫn được sử dụng và tiếp tục nghiên cứu khi xây dựng luật.
 Chức danh Thừa phát lại bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam song hành với việc Vua Tự Đức ký Hòa ước ngày 05/6/1862 nhượng cho Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ, sau đó là bản Hiệp ước ngày 06/6/1884, đặt Việt Nam trở thành một nước dưới quyền của Pháp[1]
Chế định Thừa phát lại được quy định trong các văn bản pháp luật như: Bộ luật dân sự tố tụng Việt Nam năm 1910; Bộ Dân luật  Trung năm 1936-1939; Bộ Hộ sự; Thương sự tố tụng năm 1942; Bộ luật dân sự Bắc năm 1931; Bộ Dân sự tố tụng Bắc năm 1917; Nghị định số 111 ngày 08/3/1949 của chính quyền Bảo đại; Bộ luật Dân sự, Thương sự tố tụng và Bộ Luật hình sự tố tụng của Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu năm 1972.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hệ thống cơ quan tư pháp mới được thiết lập trong cả nước, chế định Thừa phát lại tồn tại trước đó được duy trì và chịu sự quản lý của ban Công lại thuộc phòng Giám đốc hộ nội vụ của Bộ Tư pháp.
Đến ngày 24/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh 13 quy định về tổ chức của tòa án các ngạch thẩm phán, trong đó, khoản 3, Điều 3 Sắc lệnh quy định: “Ban Tư pháp xã có quyền thi hành những mệnh lệnh của thẩm phán cấp trên, bao gồm các bản án, quyết định của tòa án”.
Ngày 19/7/1946, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của Tòa án. Điều 3 của Sắc lệnh này quy định: Trong các thị xã, khu phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký đều chịu trách nhiệm thi hành những lệnh, mệnh lệnh hoặc án của các Tòa án, ở những nơi nào đã có Thừa phát lại riêng thì đương sự có quyền nhờ Thừa phát lại thi hành mệnh lệnh. Về thẩm quyền, trách nhiệm của Thừa phát lại trong thi hành án, Điều 1 của Sắc lệnh trên quy định: Các bản sao hoặc trích lục bản án do các phòng lục sự phát cho các đương sự để thi hành các án, hoặc mệnh lệnh các tòa án hộ đều phải có thể thức thi hành, ấn định như sau: “Vậy, Chủ tich Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa truyền cho các Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự thi hành bản án này, các ông chưởng lý và biện lý kiểm sát việc thi hành án, cai trị chỉ huy binh lực giúp đỡ mỗi khi đương sự chiếu luật yêu cầu…”. Như vậy, Sắc lệnh 130/SL ngày 19/7/1946 chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại trong chế độ mới.
Tại miền Nam. Mô hình Thừa phát lại đã tồn tại trong suốt thời kỳ Pháp thuộc và dưới chế độ chính quyền Sài Gòn đến ngay Miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975.
Thừa phát lại là công lại làm việc theo triệu dụng của khách hàng khi có yêu cầu và theo đề nghị của Tòa án trong phạm vi trách nhiệm được pháp luật quy định. Mục đích của công lại là nhằm phục vụ công lý, phục vụ hoạt động tư pháp và nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân trong xã hội.
Thừa phát lại không phải là công chức tư pháp, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hoạt động không theo chế độ công vụ. Khác với công chức tư pháp, thừa phát lại thực hiện một số công việc theo yêu cầu của khách hàng hoặc theo đề nghị của Tòa án trong phạm vi trách nhiệm được pháp luật quy định.
Tuy được quy định ở các văn bản pháp luật khác nhau với những tên gọi khác nhau như: Chưởng, Tòa (Miền Bắc); Mõ Tòa (Miền Trung); thừa phát lại (Miền Nam) nhưng đều thể hiện địa vị của một công lại giống như chức danh “Huissier” trong hệ thống Tư pháp của Pháp được quy định trong Bộ Dân luật Pháp năm 1804 và Bộ Dân sự tố tụng Pháp năm 1807.
Nhìn chung, Thừa phát lại trong thời ký Pháp thuộc và dưới chính quyền Sài Gòn đều  có nhiệm vụ:
  • Thông báo tòa khai mạc và bế mạc, gọi các đương sự, nhân chứng, thi hành lệnh giữ trật tự tại tòa. Đây là các nhiệm vụ tại phiên tòa.
  • Tống đạt các giấy tờ theo yêu cầu của Tòa án; lập các vi bằng theo quy định của pháp luật; phát mại động sản hay bất động sản và tực tiếp thi hành các bản án, quyết định của tòa án. Các nhiệm vụ này được thực hiện bên ngoài phiên tòa.
Về tổ chức, Thừa phát lại là công lại do Bộ Trưởng Bộ tư pháp bổ nhiệm và quản lý, hành nghề trên cơ sở của pháp luật, được hưởng thù lao của khách hàng theo biểu giá quy định.Khác với luật sư, Thừa phát lại không có quyền từ chối thi hành nhiệm vụ nếu được yêu cầu nếu không có lý do chính đáng. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của những công chức có trách nhiệm như: Chưởng lý, Biện lý, Thẩm phán, Lục sự. Hoạt động của thừa phát lại được tổ chức thành văn phòng.
Thời kỳ đâu, từ năm 1950 đến 1968, Sài Gòn chỉ có 05 Văn phòng, đến năm 1974 tăng lên 14 văn phòng. Các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Bình Dương, Biên Hòa, mỗi tỉnh có một văn phòng. Tổng số thừa phát lại trước năm 1975 có 18 Thừa phát lại thực thụ và 18 Thư ký trưởng. Thư ký trưởng thay thế thừa phát lại thực thụ để thưc hiện các hành vi tố tụng thwo quy định.
Ở các tỉnh còn lại, công việc thừa phát lại được giao cho các cảnh sát trưởng (Trưởng ty cảnh sát) hoặc phó cảnh sát trưởng, hoặc các Quận trưởng tạm thời kiêm nhiệm do Nghị định của Tổng trưởng Tư pháp bổ nhiệm và các viên chức được thu lệ phí như Thừa phát lại.
Chế định thừa phát lại hiện nay:
Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp xác định: “nghiên cứu việc xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp”.
Chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết 49-NQTW của Bộ Chính trị: “Từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”; “nghiên cứu chế định Thừ phát lại: trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương sau vài năm, trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.
Ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó, giao cho Chính phủ quy đinh và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương.
Ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị địnhh số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc thực hiện thí điểm bước đầu đã thu được kết quả đáng khích lệ, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá tốt, được người dân đón nhận tích cực.
Trên cơ sở kết quả thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Theo đó, Quốc hội giao cho Chính phủ triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết 31/12/2015. Bước đầu, hệ thống thừa phát lại dần được hình thành ở các tỉnh, thành phố trực thuộc  Trung ương, phân bố đều trên cả nước.
Ngày 26/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 107/2015/QH13  về thực hiện chế định Thừa phát lại. Theo đó, Quốc hội ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, đồng thời quyết định chấm dứt việc thí điểm  và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
(Tham khảo Bài giảng Khái quát chung về nghề Thừa phát lại- Học Viện Tư pháp)
 

[1] TS. Nguyễn Đức Chính (chủ biên), Tổ chức Thừa phát lại, NXB Tư pháp, 2006

Tin liên quan

THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG THƯ KÝ NGHIỆP VỤ THỪA PHÁT LẠI
VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI HÀ NỘI, VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI ĐÔNG ĐÔ-THÀNH PHỐ HÀ NỘi Tuyển dụng Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại
Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại
(Chinhphu.vn) - Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.
Đại hội thành lập Hội Thừa phát lại Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Ngày 27/3/2021 tại trụ sở Sở Tư pháp Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Thừa phát lại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI ĐÔNG ĐÔ

Địa chỉ: Số 101, Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
Điện thoại: (0243) 558 9999
Hotline:       0989 929 929
Giám đốc Điều hành: 0908 99 88 99
Email: tuvan@thuaphatlaidongdo.com
 
Copyright © thuaphatlaidongdo
Thiết kế bởi VINNO