Bài viết mới nhất
Mối quan hệ giữa thừa phát lại với một số chức danh trong các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật
Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều chức danh nghề nghiệp trong các cơ quan nói chung và các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng. Việc tìm hiểu các mối quan hệ này có ý nghĩa trong việc xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Thừa phát lại, qua đó nâng cao hiệu quả công tác phối kết hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thừa phát lại.
Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đề cập đến mối quan hệ gần gũi giữa Thừa phát lại với một số chức danh trong các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật sau đây:
1) Thừa phát lại và Chấp hành viên
Chấp hành viên là người được Nhà nước tuyển dụng, bổ nhiệm và giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định mà theo quy định của Luật thi hành án phải được đưa ra thi hành. Chấp hành viên là công chức, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và phải thực hiện công việc theo quy định về chế độ công chức, công vụ.
Thừa phát lại mặc dù cũng do Nhà nước bổ nhiệm và thực hiện một số công việc như chấp hành viên như: trực tiếp thi hành bản án, xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, Thừa phát lại không phải là công chức Nhà nước, họ làm việc và được hưởng thù lao và phí tổn theo giá biểu do Nhà nước quy định và hợp đồng ký kết với khách hàng.
Trong công việc, Thừa phát lại và Chấp hành viên có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, điều này thể hiện trên một số mặt cơ bản như sau:
- Thừa phát lại hỗ trợ cơ quan thi hành án nói chung và Chấp hành viên nói riêng trong việc tống đạt các văn bản, giấy tờ, tài liệu: Theo quy định hiện nay thì “Văn phòng Thừa phát lại được quyền thỏa thuận để tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác”.
- Thừa phát lại hỗ trợ Chấp hành viên thông qua kết quả xác minh điều kiện thi hành án làm cơ sở để Chấp hành viên tổ chức thi hành bản án. Theo quy định thì “Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Khi thực hiện việc xác minh, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó”.
Sau khi có kết quả xác minh của Thừa phát lại “Người được thi hành án có quyền dùng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự, văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án vụ việc căn cứ kết quả xác minh để tổ chức thi hành án”.
Ngoài ra, theo quy định thì đương sự có quyền yêu cầu văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án dân sự trong trường hợp vụ việc đó đang do Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành. Đây cũng là một sự hỗ trợ tích cực đối với Chấp hành viên.
- Thừa phát lại trực tiếp thi hành các bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự: Việc cho phép Thừa phát lại trực tiếp thi hành các bản án là nhằm giúp giảm tải công việc cho Chấp hành viên, hạn chế tình trạng án tồn đọng kéo dài không được thi hành. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng khi cho tiến hành thí điểm chế định Thừa phát lại.
2) Thừa phát lại và Kiểm sát viên
Mối quan hệ giữa Thừa phát lại và Kiểm sát viên là mối quan hệ kiểm tra – giám sát. Theo quy định hiện hành thì “Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại có quyền kháng nghị quyết định, hành vi pháp luật của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm trả lời kháng nghị và thực hiện nội dung kháng nghị trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị.”. Việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tống đạt các văn bản của Tòa án được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và pháp luật về tố tụng.
Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đặt văn phòng Thừa phát lại có quyền kháng nghị quyết định, hành vi pháp luật của Trưởng văn phòng Thừa phát lại và Thừa phát lại trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm. Trưởng văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm trả lời kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị. Nếu chấp nhận kháng nghị, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị, Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải thực hiện nội dung kháng nghị. Nếu không đồng ý với kháng nghị, Trưởng văn phòng Thừa phát lại có quyền kiến nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng thừa phát lại xem xét. Cục trưởng Cục thi hành án dân sự có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị; văn bản trả lời của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành.
Trường hợp xét thấy văn bản trả lời kháng nghị không có căn cứ thì Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đã trả lời kiến nghị.
3) Thừa phát lại và Thư ký tòa án
Cũng giống như Chấp hành viên và Kiểm sát viên, Thư ký tòa án là công chức Nhà nước, họ được giao thực hiện một số công việc của tòa án như: phát hành các giấy tờ triệu tập đương sự và những người liên quan khác đến tòa án để lấy lời khai, tham dự phiên tòa; giúp ghi lời khai đương sự, nhân chứng; tiến hành các thủ tục khai mạc phiên tòa, ghi biên bản phiên tòa…
Trong điều kiện mà số vụ án các loại được giải quyết tại tòa án ngày càng tăng với tính chất và mức độ phức tạp ngày càng cao, số lượng đương sự và những người tham gia ngày càng lớn. Trong nhiều trường hợp, vì các thủ tục do thư ký tòa án thực hiện chưa xong (do quá nhiều) mà phải kéo dài việc giải quyết các vụ án. Việc cho phép Thừa phát lại được ký hợp đồng với tòa án để thay mặt tòa án tống đạt một số tài liệu, giấy tờ như: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời; quyết định đưa vụ án ra xét xử; bản án, quyết định trong trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án nhân dân các cấp đã góp phần thúc đẩy việc giải quyết nhanh chóng, đảm bảo đúng thủ tục tố tụng các vụ việc nhờ các văn bản, giấy tờ trên được chuyển đúng đối tượng và đúng thời gian.
Như vậy, mối quan hệ giữa Thừa phát lại và Thư ký tòa án nêu trên có thể nói đây là mối quan hệ phối hợp – hỗ trợ. Trong đó Thừa phát lại hỗ trợ Thư ký tòa án thực hiện một số công việc thay mình. Rõ ràng việc làm trên của Thừa phát lại đã góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả xét xử đồng thời cũng góp phần đảm bảo các quyền lợi chính đáng của các đương sự, nhất là các quyền về tố tụng.
4) Thừa phát lại và Cảnh sát
Mối quan hệ giữa Thừa phát lại và Cảnh sát thể hiện qua một số mặt hoạt động sau:
- Cảnh sát, nhất là cảnh sát khu vực, cảnh sát địa bàn, công an viên có thể hỗ trợ Thừa phát lại trong việc xác minh địa chỉ, nơi cư trú của người cần tống đạt giúp Thừa phát lại thực hiện việc tống đạt thuận tiện, nhanh chóng và đúng địa chỉ.
- Hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại có nhiều điểm giống với hành vi lập biên bản của cảnh sát giao thông, hành vi lập biên bản phạm pháp quả tang của cán bộ công an khi thực thi nhiệm vụ. Trong trường hợp này cả vi bằng và biên bản do cán bộ cảnh sát lập đều được xem là chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Đồng thời bản thân vi bằng do Thừa phát lại lập cũng được xem là tài liệu tham khảo hay chứng cứ trong quá trình cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ án.
- Trong trường hợp Thừa phát lại trực tiếp thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, Thừa phát lại có quyền, nghĩa vụ như Chấp hành viên và thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Do vậy, trên cơ sở kế hoạch cưỡng chế đã được phê duyệt, họ có quyền yêu cầu cơ quan công an và lực lượng cảnh sát nơi tổ chức cưỡng chế hỗ trợ thực hiện việc cưỡng chế.
5) Thừa phát lại và Luật sư
Có thể nói, trong hoạt động tố tụng các vi bằng do Thừa phát lại lập với tư cách là chứng cứ mang giá trị chứng minh nhằm làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án có ý nghĩa hết sức to lớn đối với hoạt động bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền lợi cho các thân chủ của các Luật sư.
Hiện nay ở nước ta theo quy định của pháp luật, Luật sư với tư cách là người bào chữa có thể tham gia vụ án ngay từ khi có quyết định tạm giữ người. Do vậy, các vi bằng do thừa phát lại lập trước đó được xem là những tài liệu hết sức khách quan, có ý nghĩa quan trọng giúp Luật sư đánh giá toàn diện quá trình điều tra vụ án.
6) Thừa phát lại và Công chứng viên
Thoạt nhìn, hoạt động của Thừa phát lại có những nét giống với hoạt động của công chứng viên, nhất là hành vi công chứng và hành vi lập vi bằng. Tuy nhiên hoạt động của hai chức danh này không hề chồng chéo nhau. Nếu Công chứng viên là người thay mặt Nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực của các thỏa thuận, văn kiện, giấy tờ, hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại văn phòng công chứng. Còn hoạt động của Thừa phát lại là lập các vi bằng về những sự kiện xảy ra ở mọi nơi mà ít bị khống chế về thời gian và không gian theo yêu cầu của khách hàng. Mục đích của hoạt động công chứng và thừa phát lại đều nhằm hỗ trợ ngăn chặn cũng như giải quyết các tranh chấp, giúp tổ chức và cá nhân bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp một cách tốt nhất.
Ở một khía cạnh nào đó, hoạt động lập vi bằng nói chung và các vi bằng nói riêng cũng hỗ trợ cho hoạt động của các Công chứng viên. Theo quy định tại điểm 2 Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ-CP thì vi bằng còn có thể là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, rất nhiều giao dịch cần có sự chứng kiến của Công chứng viên. Khi đó các tài liệu này sẽ hỗ trợ quá trình tác nghiệp của Công chứng viên.
Trên đây là những phân tích hết sức sơ lược về mối quan hệ giữa Thừa phát lại với một số chức danh nghề nghiệp, hy vọng đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện hơn về vị trí, vai trò của Thừa phát lại trong đời sống pháp lý hiện nay.
Ths. Vũ Hoài Nam – NXBTP – Bộ Tư pháp
———————————————————-
Tài liệu tham khảo
Tổ chức Thừa phát lại – TS Nguyễn Đức Chính – NXBTP – 2006.
Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại ở Việt Nam hiện nay – Ths Vũ Hoài Nam – NXBTP – 2013.
Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 27/4/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 27/4/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thông tư 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao – Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội
- Đăng nhập để bình luận
- 1039 reads
Tin liên quan
VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI ĐÔNG ĐÔ
Điện thoại: (0243) 558 9999
Hotline: 0989 929 929
Giám đốc Điều hành: 0908 99 88 99
Email: tuvan@thuaphatlaidongdo.com
- 13 reads
- 2 reads